Tên Doanh nghiệp

A. Quy định đặt tên doanh nghiệp
I. Cơ sở pháp lý
Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp.
II. Nội dung quy định về đặt tên doanh nghiệp
1. Tên doanh nghiệp
1.1. Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được và bao gồm hai thành tố sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, cụm từ trách nhiệm hữu hạn có thể viết tắt là TNHH; công ty cổ phần, cụm từ cổ phần có thể viết tắt là CP; công ty hợp danh, cụm từ hợp danh có thể viết tắt là HD; doanh nghiệp tư nhân, cụm từ tư nhân có thể viết tắt là TN;
b) Tên riêng của doanh nghiệp.
1.2. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó.
1.3. Tên tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
2.1. Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã giải thể. Quy định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
Kể từ ngày 1/6/2010 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010, việc chống trùng, nhầm lẫn tên doanh nghiệp được thực hiện trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2.2. Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
2.3. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
3. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
3.1. Tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
3.2. Các trường hợp sau đây được coi là gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác:
a) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”; ký hiệu “-”; chữ “và”;
c) Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp khác đã đăng ký;
d) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp khác đã đăng ký;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi một hoặc một số số tự nhiên, số thứ tự hoặc một số chữ cái tiếng Việt (A, B, C…) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký;
e) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước, hoặc “mới” ngay sau tên của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự; trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký;
h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
4. Các vấn đề khác liên quan đến đặt tên doanh nghiệp
4.1. Các doanh nghiệp đã đăng ký tên doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP nhưng không phù hợp với quy định tại điểm 2.1 mục 2 nêu trên không bắt buộc phải đăng ký đổi tên. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên doanh nghiệp.
4.2. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, doanh nghiệp tham khảo tên các doanh nghiệp đang hoạt động lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
4.3. Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.
B. Nghệ thuật đặt tên công ty
Tên gọi là điều đầu tiên mà các khách hàng và đối tác biết về bạn. Một cái tên đặc biệt và truyền cảm sẽ là cách quảng cáo tốt nhất cho công ty của bạn. Ngược lại, với một cái tên khó phát âm thì công việc kinh doanh của công ty sẽ rất dễ gặp phải trắc trở.
Có cả một bộ môn khoa học về cách đặt tên cho công ty và sản phẩm/dịch vụ. Ở Việt Nam mọi người còn ít biết đến chuyên ngành khoa học này. Đôi khi cũng xuất hiện những cái tên thành công nhưng phần nhiều là do các ông chủ ngẫu nhiên chọn được. Hơn nữa, bộ môn khoa học này còn chứng minh rằng: khi tạo ra một cái tên cần phải cân nhắc đến rất nhiều yếu tố marketing khác.
Ai là các khách hàng tiềm năng của bạn? Điểm khác biệt của công ty bạn so với các đối thủ cạnh tranh khác là gì? Bạn muốn truyền tải thông điệp nào đến với khách hàng thông qua cái tên của mình? Liệu một cái tên êm ái du dương đã đủ thỏa mãn những yêu cầu về kinh doanh của công ty? Khi trả lời các câu hỏi này cộng với việc nắm vững những nguyên tắc chính của khoa học đặt tên, thì việc tìm được một cái tên thành công không phải là quá phức tạp. Và sau đây là những nguyên tắc chính của nghệ thuật đặt tên:

Tạo ra ấn tượng dễ chịu


Ấn tượng đầu tiên mà một cái tên cần phải có là làm cho các khách hàng và đối tác nảy sinh mong được tiếp cận với công ty của bạn. Ấn tượng được tạo thành từ cảm giác và những hình ảnh hiện lên trong nhận thức của mọi người. Ví dụ, nếu một công ty chuyên tổ chức các buổi lễ hội thì với cái tên “Tết” là rất thích hợp. Chỉ cần nghe thấy từ “Tết”, trong đầu mọi người đã xuất hiện nhiều hồi tưởng dễ chịu. Những cái tên tương tự có thể tự động tạo ra một hình ảnh có lợi cho công ty. Khi làm được điều này, có thể coi các ông chủ đã có trong tay một tấm “bùa hộ mệnh”.

Ngược lại những từ ngữ làm liên tưởng đến sự mất mát và đau khổ có thể làm hỏng uy tín công ty bạn. Thậm chí, một ‎ý tưởng kinh doanh tuyệt vời cũng chưa chắc đã cứu vãn được. Cũng vì lý‎ do này mà bạn phải đặc biệt cẩn trọng với những với cái tên nước ngoài. Ví dụ, một người để bắt tay vào kinh doanh đã mua dịch vụ một công ty “có sẵn” mang tên "Red grave", trong khi bản thân anh ta không biết tiếng Anh và cũng không hề nghĩ đến điều này khi k‎ý kết hợp đồng mua bán.


Khi về đến trụ sở công ty, anh ta đưa giấy tờ cho một cộng sự của mình, anh bạn tái mặt hỏi: “Cậu có bị điên không? "Grave"- có nghĩa là nhà mồ”. Lúc đấy, người mua muốn trả lại công ty “nhà mồ đỏ” thì đã muộn, cuối cùng đành phải mua một công ty khác.


Khêu gợi sự tò mò


Bạn hãy làm sao để tên công ty không những mang lại ấn tượng dễ chịu mà còn kích gợi trí tò mò của mọi người. Ví dụ, một nhà xuất bản mang tên “Quả cam tím”, trong cụm từ này chứa yếu tố bất ngờ vì chứa đựng mâu thuẫn. Trong tự nhiên, chỉ có cam xanh, cam vàng, vậy khi nghe thấy cái tên này, trong tiềm thức của mọi người sẽ xuất hiện câu hỏi: “Tại sao cam lại tím? Đây là loại quả gì vậy?”. Và kết quả là họ sẽ tìm cách tiếp cận công ty để thỏa mãn trí tò mò một cách vô ‎ý thức.

Hướng tới thị hiếu của các khách hàng


Trước khi quyết định lựa chọn một cái tên nào đó, bạn cần phải hình dung ra trong đầu chân dung các khách hàng tiềm năng của mình. Một cái tên thích hợp với lứa tuổi “tin” hoàn toàn có thể gây phản cảm đối với những người già và bảo thủ. Ví dụ, các thanh thiếu niên sẽ bị hút vào cửa hàng mang tên “Người lữ hành kỳ dị”, nhưng với phần đông những người về hưu thì họ không thấy hứng thú với những cái tên như vậy. Hay ngược lại, những cái tên chiếm cảm tình của người đứng tuổi như “Gia đình”, “Ấm cúng” ít có tác động đến tầng lớp thanh niên.

Hoặc những người giàu có thường có cảm tình với những công ty mang cái tên gợi liên tưởng đến sự cao sang. Ví dụ, họ thích mua quần áo trong các cửa hàng “Thẩm mỹ”, mua đồ gỗ ở “Sang trọng”.


“Hãy quên cái tên của bản thân”


Một trong những sai lầm thường phạm phải của các chủ doanh nghiệp là trộn lẫn tên mình vào trong tên của công ty. Đặc biệt các chủ cửa hàng thực phẩm, hàng ăn hay mắc phải sai lầm này. Tại sao bạn lại không nên làm điều này, vì các l‎ý do sau đây:

Thứ nhất, một cái tên thương mại thành công thường độc đáo và duy nhất, trong khi đó có cả hàng trăm nghìn người có tên giống như bạn.

Thứ hai, một cái tên độc đáo cho phép bạn nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh, còn nếu lấy tên mình đặt cho công ty, thì bạn hoàn toàn có thể lẫn vào trong danh sách các đối thủ của mình, mặc dù bạn có thể thêm vào đó những con số ví dụ như “99” hay một chữ cái nào đó ví dụ như “M”.
Thứ ba, vì uy tín xấu của một công ty nào đó mang tên giống tên của bạn có thể ảnh hưởng đến công ty của bạn.
Và cuối cùng, hoàn toàn có thể vào một lúc nào đó bạn muốn bán đi công ty của mình, hiển nhiên, ông chủ mới sẽ không thích một công ty mang tên người khác.

Chỉ nên sử dụng tên mình làm tên công ty trong một số các trường hợp đặc biệt. Ví dụ, bạn là một luật sư rất nổi tiếng và tên của bạn đồng nghĩa với sự đảm bảo về tính chuyên nghiệp và có uy tín cao. Ngoài ra, tên và họ của bạn có thể đặt cho công ty khi nó rất nổi tiếng với phần đông mọi người ví như "Nina Ricci", "Mary Kay".

Tránh mô tả

Một số các chủ doanh nghiệp thường có xu hướng đem vào cái tên công ty càng nhiều thông tin càng tốt về hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, bạn có thể bắt gặp những cái tên rất phức tạp, ví như “Công ty sản xuất, cung ứng và sửa chữa thiết bị xây dựng”.

Khi lựa chọn những cái tên kiểu này, tác giả của chúng thường nghĩ đến chức năng hoạt động của công ty nhiều hơn là thị hiếu và động cơ của các khách hàng tiềm năng. Mặc dù, các nghiên cứu thực tiễn cho thấy, mọi người thường khó tiếp thu và khó nhớ những “câu thần chú” gồm những thuật ngữ kỹ thuật. Nhưng nhược điểm chính của một cái tên mô tả nằm ở chỗ nó dễ bị chìm lẫn giữa các đối thủ cạnh tranh và khó có thể nổi bật lên được.

Thêm một chút hài hước

Đôi khi sẽ rất có ích nếu bạn hài hước đôi chút. Các khách hàng thường đánh giá cao điều này, và công việc kinh doanh của bạn nhờ đó mà được quảng cáo miễn phí.

Tuy nhiên, khi nghĩ một cái tên hài hước, thì quan trọng nhất là bạn đừng đi quá giới hạn, vì có thể dẫn đến trường hợp làm cho các khách hàng tiềm năng coi thường bạn. Có thể họ vẫn phá lên cười nhưng họ sẽ mua hàng ở đối thủ cạnh tranh của bạn.

Hãy cẩn thận với những “kẻ ăn cắp”!

Trước khi bắt đầu tiến hành các chiến dịch quảng bá thương hiệu của mình, bạn phải kiểm tra xem cái tên mình chọn đã thuộc quyền sở hữu của ai đó chưa? Đã có ai đăng k‎ý cái tên này trước bạn chưa? Vì hoàn toàn có thể, vào một ngày đẹp trời, chủ sở hữu chính thức tên công ty bạn sẽ buộc bạn phải mua lại quyền sở hữu với giá cao ngất.

Tên không có ý nghĩa

Có thể chọn một cái tên truyền cảm và dễ nhớ mà không cần sử dụng những từ ngữ trực tiếp miêu tả lĩnh vực kinh doanh của công ty. Ví dụ, từ "Kodak", được nghĩ ra từ năm 1988 đến nay nhưng vẫn được coi là một trong những tên thương hiệu thành công nhất. Người sáng lập ra Kodak đã đặt ra những tiêu chí sau khi đặt tên cho công ty của mình: ngắn; không có ‎bất cứ một ý nghĩa nào; ân thanh rõ và khó xuyên tạc. Và Kodak chính là tổng hợp của những yếu tố đó.

Xerox cũng được tạo ra trên những nguyên tắc như vậy và đã trở nên thông dụng trên toàn thế giới, thậm chí, còn trở thành danh từ chung chỉ một hình thức kỹ thuật.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More